Bởi: Financial Coach Đức Nguyễn Founder Học Viện Huấn Luyện Tài Chính FCI
Đã bao giờ bạn nghe những câu hỏi “hóc búa” dưới đây từ con của mình?
- Nhà mình có giàu không Bố/Mẹ?
- Khi nào chúng ta sẽ chuyển qua nhà to hơn ạ?
- Bố mẹ kiếm được bao nhiêu tiền?
- Tại sao mẹ lại không là Hiệu trưởng như mẹ bạn Lan để con có được cái Ipad như bạn ấy vậy?
- Hè này Gia đình chúng ta sẽ đi chơi ở Ý, Pháp như nhà bạn Minh, bạn An chứ ạ?
- Nhà mình có nghèo không Bố/Mẹ?
Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào trước những câu hỏi rất phổ biến này của con trẻ thời nay?
Ta sẽ im lặng, lảng tránh, ậm ừ cho qua chuyện hay ta sẽ dùng quyền của ba mẹ để phủ đầu “Hỏi để làm gì”, “Con nít không cần biết những thứ này”, “Tiền có phải lá mít đâu”.
Ta thấy những phản ứng này quen không?
Đó chính là những phản ứng, câu trả lời kinh điển mà chính chúng ta phải đối mặt với các bậc phụ huynh khi ta còn nhỏ!
Và chúng ta ý thức được rằng những câu hỏi đó không chỉ là thắc mắc đơn thuần, nó là khởi đầu của việc hình thành cảm xúc, tư duy, và niềm tin của con về tiền và sẽ đi với con suốt cuộc đời.
Và hãy thử tính toán xem, chúng ta đã phải trả những cái giá đắt như thế nào khi bước vào đời với những hành trang nghèo nàn về tài chính như vậy?
Và liệu chúng ta có chấp nhận để con mình tiếp tục phải vấp ngã, mua những bài học đắt giá đến vậy?
◊◊◊
Thử một lần chân thành nhìn nhận lại xem vì sao cha mẹ cũng như chúng ta hiện nay lại đang phản ứng theo cách đó?
Phải chăng là do:
- Thách thức trong việc thảo luận về tài chính với con: lý do chính yếu khiến chúng ta ngần ngại trong việc thảo luận về tài chính với con có thể là do sự không thoải mái hoặc lo lắng về vấn đề truyền đạt. Người lớn chúng ta không phải ai cũng được trang bị kiến thức bài bản về phần này khi lớn lên và biết cách trao đổi kiến thức này, do đó không cảm thấy tự tin để chia sẻ thông tin hoặc kinh nghiệm về tài chính với con cái. Chúng ta lo ngại rằng việc chia sẻ thông tin không chính xác hoặc truyền đạt không phù hợp sẽ có thể gây ra sự hiểu lầm hoặc làm sai lệch tư duy của con cái
- Thiếu sự lưu tâm đúng mức đối với giáo dục tài chính trong gia đình: Đối với rất nhiều bậc phụ huynh, tài chính gia đình có thể không được coi là một phần quan trọng trong việc giáo dục con cái. Một số phụ huynh có thể chú trọng nhiều hơn vào việc học vấn, đạo đức. Việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cho các con thường bị bỏ qua hoặc coi nhẹ vì chúng ta không ý thức hết được tầm quan trọng và hệ quả của nó.
- Chúng ta sợ sẽ làm các con “già đi trước tuổi”: nhiều bậc phụ huynh cho rằng con còn ở trong độ tuổi ngây thơ, tiền bạc sẽ làm cho chúng già đi trước tuổi và có những tính toán không cần thiết. Thế nhưng họ quên rằng con cái chúng ta vẫn luôn âm thầm lặng lẽ quan sát, phán xét mọi trao đổi, quyết định tài chính của chúng ta. Trẻ con với bản tính tò mò, thiếu vắng đi sự trao đổi của chúng ta, sẽ tạo ra màng sương mờ để chúng phải tự mày mò, tìm hiểu từ nhiều nguồn khác không tin cậy.
- Bản thân chúng ta đang gặp khó khăn trong quản trị tài chính: Chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc thừa nhận rằng mình không thành công trong việc quản lý tài chính của mình. Đối mặt với sự thất bại có thể làm cho chúng ta cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ kinh nghiệm của mình với con cái. Và chúng ta sợ con cái sẽ phán xét chúng ta về chính những hành vi tài chính hàng ngày của mình.
- Thói quen trì hoãn: các bậc cha mẹ có thói quen trì hoãn và cho rằng con còn quá nhỏ để có thể trao đổi với con về tiền bạc. Hãy nhớ rằng, việc trao đổi về tiền bạc nên bắt đầu ngay khi con có thể phân biệt được 2 tờ tiền với nhau. Có thể bạn đang quá bận rộn và việc dạy con về tiền có thể không được ưu tiên khi con bạn còn nhỏ, nhưng những năm đầu đời của chúng là thời điểm quan trọng để đặt nền móng và dạy những điều cơ bản. Sẽ tốt hơn nếu họ có thể học hỏi từ những sai lầm của mình khi rủi ro ở mức thấp. Uốn một cái cây khi còn non bao giờ cũng dễ hơn.
- Sự khác biệt trong quan điểm về tài chính: Chúng ta cho rằng tài chính là vấn đề cá nhân và không cần phải chia sẻ với con cái, hoặc vợ chồng không thống nhất trong phương pháp tiếp cận tài chính với con. Con trẻ luôn sẽ biết cách khai thác sự khác biệt trong tiếp cận tài chính giữa ba mẹ của chúng để có thể có được thứ chúng muốn và dần các bài học, chia sẻ về tài chính của chúng ta sẽ không hề có giá trị nữa.
- Do không tìm được cơ hội hợp lý để có thể chia sẻ với con: cơ hội để dạy con về tài chính luôn hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống, chỉ là bạn chưa biết cách nhận ra và bỏ qua những cơ hội tuyệt vời để đồng hành, cùng con phát triển tư duy tài chính
◊◊◊
Với những lý do “hợp lý” trên rất nhiều Cha Mẹ đã bỏ lơ trách nhiệm của mình và không thành công trong việc dạy con mình về quản lý tiền bạc, hậu quả của nó có thể quay trở lại ám ảnh gia đình bất cứ lúc nào:
Bạn có chấp nhận trả giá cho một trong những tình huống rất phổ biến sau không:
- Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu phải hỗ trợ tài chính cho những đứa con đã trưởng thành của mình?
- Tương lai tài chính và kế hoạch hưu trí của bạn sẽ như thế nào nếu bạn phải thường xuyên giải quyết các hậu quả tài chính của con xuất phát từ những quyết định thiếu hiểu biết của con?
- Tài sản/sự nghiệp kinh doanh của gia đình không được kế thừa phát triển, tệ hơn nữa là đình trệ rồi suy tàn.
- Con cái chi tiêu hoang phí, không biết quý trọng đồng tiền và sức lao động, chúng xem những thứ bạn đã hi sinh làm cho chúng là việc đương nhiên, là nghĩa vụ của bạn, chúng liên tục đòi hỏi, so sánh với người khác và không bao giờ thỏa mãn
- Chúng lớn lên và vào đời với sự bất định, thiếu tự tin về tiền bạc và gặp phải những trở ngại không đáng có từ điều này.
- Khi gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống liên quan tới tài chính, con cái sẽ không biết xử lý như thế nào để tự vượt qua được và tạo ra những căng thẳng thường xuyên.
- Con phải học những bài học tài chính từ chính những đổ vỡ, vấp ngã của chính mình và đôi khi những thất bại này có thể hủy hoại cuộc đời con mãi mãi.
- Con cái ném tiền vào đầu tư mà không có kiến thức cơ bản, không biết cách nhận ra và tận dụng các cơ hội để vương lên trong cuộc sống.
- Thiếu kiến thức về tài chính có thể khiến cho con cái trở thành mục tiêu dễ bị lừa đảo và mất mát
◊◊◊
Hậu quả là vô cùng to lớn, chỉ cần nhìn lại những cái giá chúng ta đã từng trả cho việc chính chúng ta đã không được trang bị kiến thức về tài chính, và chúng ta có muốn con mình lại tiếp tục có những vấp ngã không đáng có như vậy?
Phải chăng ước mơ cháy bỏng của bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng là thấy con được thành công, được phát triển, được hạnh phúc trong cuốc sống?
Giúp con hình thành và phát triển năng lực Quản trị – Tư duy tài chính chính là tài sản quý giá nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con. Đó không chỉ là tình yêu, sự dạy dỗ mà đó còn là sự bảo vệ con trước những vấp ngã lớn trong đời cũng như chấp cánh cho con sống cuộc đời đam mê, hứng khởi…
◊◊◊
Có ít nhất 10 lý do khiến các bậc Cha Mẹ cần phải phải dạy con mình về tiền bạc từ sớm:
- Bạn đã bao giờ ước giá như có ai đó dạy cho mình về tiền bạc sớm hơn? (Hay bạn là một trong những người may mắn đã được điều đó?). Bạn có muốn chúng trở thành những chú “báo con” báo bạn suốt phần đời còn lại? trang bị kiến thức cho con người được lợi lộc đầu tiên chính là các bậc cha mẹ, chúng giúp con trưởng thành, sống có trách nhiệm, yêu thương và tự lo cho chính mình tốt hơn, và thậm chí là chỗ dựa cho bạn khi về già.
- Bạn có muốn con bạn học hỏi từ những sai lầm chúng mắc phải không? (Bài học có thể hay nhưng cái giá phải trả đôi khi là quá khắt nghiệt và đắt đỏ, chúng có thể gây tổn thương con bạn mãi mãi)
- Bạn có muốn chúng học hỏi từ những người khác mà có thể họ không quan tâm đến lợi ích tốt nhất của con không? Và những người chưa chắc đã có kiến thức đúng?
- Bạn có cảm thấy đó là trách nhiệm mà bạn nên thực hiện với vai trò làm cha mẹ không?
- Nói về tiền bạc có thể giúp thiết lập những kênh giao tiếp quan trọng suốt đời với con bạn.
- Bạn có thể trở thành “đường dây nóng” cho con để giải đáp những băn khoăn khi chúng gặp vấn đề về tiền bạc, khi mọi việc không như ý muốn, hoặc khi những cơ hội tốt xuất hiện hay bạn muốn chúng tìm đến những người quan tâm đến tiền của chúng hơn?
- Bạn có thể đã mắc phải một hoặc vài sai lầm trong quá khứ và phải trả những cái giá đắt để mua lấy cho mình những bài học về tài chính, bạn đã “mua” rồi sao còn để con mình phải “mua” lại nữa mà không truyền trao kinh nghiệm và kiến thức cho chúng?
- Bạn biết rằng dạy con về tài chính từ sớm còn giúp con trở thành con người có trách nhiệm, sống san sẻ, nhân ái và cho con những lợi thế lớn khi bước vào đời.
- Bạn sẽ thấy rằng nói chuyện với con về tiền bạc không chỉ là dạy dỗ mà là bạn đang bảo vệ chúng cũng như chắp cho chúng những đôi cánh để có thể tự tin bay cao, sống cuộc đời chúng hằng mơ ước.
- Bạn hiểu rằng để lại thừa kế cho con mà không trang bị tư duy, kỹ năng quản lý tài sản đó cho con thì tài sản đó sẽ trở thành tai họa của con và ứng với lời nguyền “không ai giàu ba họ”. Do đó, di sản lớn nhất bạn có thể để lại cho con chính là những bài học, tư duy, quản trị tài chính mà qua đó chúng có thể có được mọi số tiền chúng cần trong đời.
Bạn muốn cho con bạn con cá hay muốn dạy cho chúng cách có được tất cả số CÁ chúng muốn?

Nếu đã đọc đến đây, tôi biết bạn đã nhận ra vai trò và tầm quan trọng của trang bị kiến thức, tư duy về tài chính cho con từ sớm rồi. Thế nhưng bạn có ý thức được rằng ngày nay, con trẻ dành thời gian trên không gian mạng ngày càng nhiều hơn, điều đó đồng nghĩa với việc nếu không hành động sớm thì việc con cái chúng ta hàng ngày vẫn đang tiếp xúc với các nguồn ảnh hưởng tài chính tiêu cực từ không gian mạng là vô cùng lớn?
Và các con cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi các nhà quảng cáo, marketing về những món đồ mới nhất, đẹp nhất, hiện đại nhất, về những món đồ “bắt buộc phải có” ở tuổi của các con. Và các con hàng ngày bị áp lực ngang hàng từ bạn bè, “những người ảnh hưởng” về những thứ họ sở hữu. Con bạn hình thành suy nghĩ thành công gắn với những vật chất người ta có thể sở hữu và bắt đầu so sánh những điều đó trong ngôi nhà của mình và cảm thấy bất mãn…
Điều thực sự đáng sợ là các con ở độ tuổi còn nhỏ, là những trang giấy trắng đang tiếp thu những điều mới mẻ của thế giới, vì vậy các con có thể dễ dàng tin tưởng những gì được xem, được đọc và dần dần: Internet sẽ thay cho Cha Mẹ giáo dục định hình nhận thức – tư duy – hành vi tài chính của các con, hoặc rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo nếu không có Cha Mẹ luôn kề vai sát cánh! Bạn muốn con bạn đặt những viên gạch xây dựng nền tảng đầu đời của mình bằng cách đáng sợ như vậy?
Và thế là Chúng ta lao đi tìm kiếm những tài liệu, sách báo, những khóa học tài chính, đầu tư đắt đỏ dành cho trẻ em với mong muốn con mình sẽ được trang bị những kiến thức này càng sớm càng tốt và cũng là để chính mình cảm thấy an tâm! Và chúng ta nhận ra sự thật đáng sợ là thời mình cũng như thời con, trường học không phải là nơi trang bị những kiến thức vô cùng quan trọng, phải có trong đời này nên chúng ta không thể giao phó cho họ như những kiến thức, kỹ năng khác. Vậy phải làm sao?
Việc đưa con đi học những lớp tài chính mắc tiền chỉ làm yên lòng chúng ta trong chốc lát chứ chưa bao giờ là giải pháp đúng đắn. Chừng nào con còn chưa làm ra tiền thì chừng đó những lớp học kia đều tạo ra rất ít giá trị với con chưa kể có thể tạo ra suy nghĩ lệch lạc cho con.
Chúng ta quên mất gia đình chính là chiếc nôi hình thành, dung dưỡng nhận thức, tư duy, cảm xúc cũng như năng lực tài chính của con, và chúng ta, những người làm cha mẹ chính là người thầy quan trọng nhất của con ở những năm đầu đời này. Nên mọi việc đều bắt đầu từ chúng ta, chúng ta phải là hình mẫu chuẩn mực để con noi theo vì hàng ngày con cũng đã ngầm quan sát, đánh giá và bắt trước chúng ta rồi.
Vậy hãy dừng lại một chút và cân nhắc xem bạn sẵn sàng hành động và đầu tư đến đâu cho chính những mơ ước bạn gửi gắm nơi con, vì tương lai vững vàng thịnh vượng của con và của nhiều thế hệ phía sau?
Chúng tôi tin rằng con tim bạn luôn có câu trả lời chính xác. Và khi nào bạn muốn hành động? Hay bạn vẫn còn suy nghĩ, đợi cho con lớn thêm?